Dầu hòa lẫn trong cát ở vùng hoang mạc Alberta của Canada, dầu dưới đáy biển thềm lục địa, ở ngoài khơi xa và cả ở trong rừng Amazon sâu thẳm. Tài nguyên dầu mỏ khá dồi dào ở khu vực châu Mỹ (Bắc Mỹ và Mỹ Latinh) đang trở thành trọng tâm thu hút giới đầu tư khai thác dầu thế giới, có thể trở thành nguồn cung mới thay thế khu vực Vùng Vịnh Persic.
Trong vùng đất hoang mạc khô cằn Loma La Lata, Argentina, cây cỏ hoang sơ ít người ở vì khó sinh sống, những kỹ sư địa chất lần dò khoan nhiều lỗ thăm dò sâu dưới lòng đất. Và, những mũi khoan thăm dò ấy đã tìm trúng mạch dầu khí. Đó là thời khắc quan trọng đưa Argentina gia nhập nhóm các quốc gia dầu mỏ mới thuộc khu vực Mỹ Latinh.
Trữ lượng dầu tại khu vực cũng không phải là ít: 23 tỉ thùng. Ở nước láng giềng Brazil, tình hình cũng "sôi sục" không kém với việc Công ty dầu khí tư nhân HRT Oil & Gas liên doanh với Tập đoàn TNK-BP của Nga bắt đầu triển khai những giếng khoan đầu tiên tận trong sâu thẳm của rừng Amazon, trong vùng châu thổ Solimoes, cách thành phố Rio de Janeiro 2.500 km về phía đông bắc. Theo kế hoạch, tổng sản lượng khai thác tại các giếng dầu của Công ty HRT sẽ đạt mức 50.000 thùng/ngày vào năm 2014.
Khắp Tây bán cầu, từ Canada đến Colombia, Brazil và Argentina, hoạt động khai thác dầu đang "bùng nổ". Năm 2011, Cuba đã công bố kế hoạch thăm dò và khai thác dầu trong khu vực thềm lục địa phía bắc với trữ lượng dầu dự kiến khoảng 20 tỉ thùng. Sản lượng khai thác dầu cũng gia tăng mạnh trong hoang mạc cát đen Alberta của Canada, ở vùng lèn đá cứng của bang North Dakota và Texas của Mỹ. Dầu xuất hiện ở nơi chưa từng nghe nói tới như các vùng rừng rậm của Colombia, xa tít ngoài khơi Brazil, sâu tận đáy biển hàng nghìn mét,… Gần đây, lại có thêm nhiều phát hiện dầu mỏ mới tận vùng Bắc Cực, trong biển Chukchi thuộc Canada, dọc theo thềm lục địa đông bắc Nam Mỹ, và khu vực quần đảo Falkland đang tranh chấp giữa Anh và Argentina.
Theo giới chuyên gia, sự bùng nổ dầu hỏa ở Tây bán cầu là dấu hiệu của sự dịch chuyển mạnh về địa chính trị mới, trong đó có những quốc gia chưa từng cung cấp dầu nay trở thành quốc gia cung cấp dầu. Các "tay chơi mới" này là động lực mới của thế giới.
Trọng tâm của cơn bùng nổ dầu hỏa Tây bán cầu hiện nay là Mỹ cũng đang gia tăng sản lượng khai thác, tăng 1,7 triệu thùng/ngày so với năm 2005. "Sự gia tăng sản lượng của Mỹ cho thấy nước này có khả năng tự cung tự cấp về dầu hỏa" - chuyên gia dầu hỏa Ruben Etcheverry của Argentina nhận định. Mỹ, từ chỗ nhập khẩu đến 60% lượng dầu tiêu thụ vào năm 2005 nay giảm xuống chỉ còn 45%, và trong tương lai con số này sẽ còn giảm nữa. Cùng với việc sử dụng nhiên liệu sinh học, và sự tăng cường xuất khẩu dầu của Brazil và Argentina, Mỹ đang hưởng lợi lớn từ cơn bùng nổ dầu ở Tây bán cầu, do giảm bớt phụ thuộc vào khu vực Trung Đông.
Hiện tại, dầu từ các quốc gia Vùng Vịnh Persic (Arập Xêút, Iran, UAE, Kuwait và Iraq) và châu Phi (Nigeria, Angola, Sudan, Niger, Algeria, Libya, Chad, Mali,…) vẫn chiếm lĩnh thị trường thế giới. Nhưng trong tương lai không xa, Mỹ Latinh sẽ thay thế khu vực này trở thành trung tâm mới của dầu hỏa thế giới. Thực tế, tiến trình này đang diễn ra, với việc nhập khẩu dầu hỏa của Mỹ đang chuyển hướng từ Trung Đông sang Mỹ Latinh.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (USEI), từ năm 2006, sản lượng dầu từ các nước OPEC (Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ) nhập khẩu vào Mỹ đã giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày, trong khi các quốc gia Mỹ Latinh như Canada, Brazil và Colombia đã tăng 700.000 thùng/ngày, và hiện tại cung ứng 3,4 triệu thùng/ngày. Con số hiện tại do USEI cung cấp đã phác họa bức tranh nghiêng hẳn về Mỹ Latinh: dầu của 6 quốc gia Vùng Vịnh Persic chiếm 22% lượng nhập khẩu vào Mỹ, trong khi dầu từ các láng giềng Tây bán cầu chiếm trên 50%, trong đó đáng kể nhất là sản lượng từ Venezuela. Mexico đang vươn lên mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là những biến động và bất ổn do Mỹ gây ra ở Trung Đông và Vùng Vịnh Persic không còn ảnh hưởng gì lên thị trường dầu thế giới. Dầu hỏa là thứ hàng hóa trên sàn giao dịch quốc tế, cho nên vẫn còn là đối tượng đầu cơ, kích giá ảo.
Ngoài ra, trong câu chuyện bùng nổ khai thác dầu ở Mỹ Latinh, việc quản lý chặt chẽ tài nguyên dầu hỏa là vấn đề hệ trọng và cũng đang được các quốc gia trong khu vực quan tâm. Một giải pháp phổ biến của các quốc gia trong khu vực là quốc hữu hóa các công ty, mỏ dầu. Tài nguyên quốc gia đúng là không thể để cho tư nhân, nhất là các tập đoàn, công ty nước ngoài khai thác không giới hạn. Ecuador, Bolivia, Venezuela,… đều đã quốc hữu hóa các công ty, tập đoàn khai thác dầu khí quốc gia để nắm quyền kiểm soát, quản lý nguồn "vàng đen" một cách hiệu quả nhất. Và lẽ đương nhiên, một khi quyền lợi kinh tế bị đụng chạm, sẽ xảy ra phản ứng căng thẳng.
Điển hình gần đây nhất là vụ việc Chính phủ Argentina quyết định quốc hữu hóa Công ty khai thác dầu khí YPF S.A. thuộc Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha hồi tháng 4/2012. Thông báo của Chính phủ Argentina cho biết, việc quốc hữu hóa YPF là cách tốt nhất để quản lý nguồn tài nguyên dầu mỏ, vì lâu nay, tập đoàn mẹ của công ty này đã không thực hiện việc tái đầu tư đúng mức như cam kết, mà chủ yếu là bóc lột tài nguyên quốc gia của Argentina, chuyển lợi nhuận về Tây Ban Nha. Vụ việc đã được báo chí phương Tây làm ầm ĩ vì đụng chạm lợi ích làm ăn của tư bản, nhưng rốt cuộc lẽ phải đã chiến thắng