Nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015, và 5 lần vào năm 2025 so với mức tiêu thụ hiện tại.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Long, Vụ phó vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm Năng lượng (Bộ Công Thương) ngày 26/10.
Theo ông Long, hiện nay tốc độ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng của Việt Nam cao hơn 1,8 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Còn nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015, và 5 lần vào năm 2025 so với mức tiêu thụ hiện tại.

Cũng tại hội nghị trên, ông Cù Huy Quang - Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết thêm, từ năm 2010, Việt Nam đã có dấu hiệu mất cân đối cung cầu từ các nguồn năng lượng nội địa, nhất là nguồn điện từ các nhà máy thủy điện: thiếu nước vào mùa khô và thừa nước vào mùa mưa đã làm lượng điện cung cấp cho xã hội không ổn định.
Theo ông Quang, các cơ quan chức năng phải có những cách tiếp cận thông minh để giúp các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là ở các khu đô thị nhận thức được tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng, biết cách quản lý năng lượng hiệu quả, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
“Sự tăng trưởng mạnh của mức tiêu thụ năng lượng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp. Những ngành nghề có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng ở hai con số đều ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế bền vững”, ông Long phân tích thêm.
Xuất rẻ, nhập đắt
Hiện tại, thực tế giá than mà Vinacomin đang xuất khẩu ra nước ngoài lại rẻ, còn giá than cốc mà Việt Nam đang phải nhập khẩu cho luyện thép lại đắt gấp gần 4 lần.
Giá than cốc được nhập khẩu về nước có giá dao dộng từ 270 - 300 USD/tấn, đắt gấp gần 4 lần so với giá than xuất khẩu của Vinacomin.
"Giảm thuế xuất khẩu than chỉ có cái lợi cho Vinacomin. Điều đáng lo ngại là trong khi các nhà máy nhiệt điện và xi măng trong nước sẽ là những khách hàng chủ yếu và lâu dài của ngành than nhưng Vinacomin lại tập trung xuất khẩu.
Trong khi đó, gần 100% than xuất khẩu vừa qua có thể dùng để phát điện và sản xuất xi măng, đây là những loại than dự kiến sẽ thiếu trong tương lai gần" - TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin cảnh báo.
Nguồn tin: Baodatviet