Dầu bánh răng công nghiệp | Dầu máy khâu
Trong khi UBND tỉnh Bình Định đang ủng hộ Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) xúc tiến kế hoạch xây nhà máy lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng vốn đầu tư 27 tỷ USD, trả lời phỏng vấn trên trang VNE, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi lại cho rằng: Hiện Việt Nam không cần thêm nhà máy lọc dầu và lo ngại khả năng thu xếp vốn của dự án do nhà đầu tư Thái Lan khởi xướng.
“Theo tôi, dự án lọc dầu 27 tỷ USD tại khu kinh tế Nhơn Hội còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu chứ không phải quyết định được ngay” – ông Ngãi nêu ý kiến.
Tuy nhiên, những lý lẽ phản biện mà ông Ngãi nêu ra đều bị cộng đồng mạng phản đối kịch liệt. Tiêu biểu là quan điểm phản bác của TS.Lương Hoài Nam, Nguyên Giám đốc điều hành Air Mekong, nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific, được chia sẻ trên trang facebook cá nhân của ông.
Theo ông Lương Hoài Nam, việc ông Ngãi cho rằng: dự án này không nằm trong quy hoạch chung của ngành dầu khí Việt Nam là không đúng. Bởi lẽ, “quy hoạch không phải là cái chân lý không thể thay đổi được. Trước chưa đưa vào quy hoạch, nay thấy tốt thì bổ sung, có làm sao? Như báo chí đã đưa tin, Thủ tướng đã đồng ý cho triển khai, thế đã giải quyết được về mặt quy hoạch chưa?” – TS.Lương Hoài Nam đặt câu hỏi chất vấn.
Lý do thứ 2 mà vị Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra để phản đối dự án lọc dầu 27 tỷ USD là do “ngành dầu khí hiện tại đã có nhà máy Dung Quất, chiếm 30% thị phần cung cấp xăng dầu trong nước, sắp tới còn triển khai nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn, Vân Phong và một số cơ sở lọc dầu khác nữa. Nhu cầu trong nước không đòi hỏi thêm một nhà máy như vậy nữa”.
Tuy nhiên, theo TS.Lương Hoài Nam, “các nhà máy lọc dầu trên thế giới đều vừa nhằm vào tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu. Việt Nam từ trước tới nay sang Singapore mua xăng dầu, đã bao giờ chính phủ Singapore bảo không cần thêm nhà máy lọc dầu vì nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của nước họ đủ rồi chưa?”.
Lý do thứ 3, ông Ngãi nhận định: Nhà máy lọc dầu 27 tỷ USD này sẽ nhập dầu thô từ các quốc gia khác về lọc và sản phẩm sẽ xuất đi nước khác thì giá trị gia tăng Việt Nam thu được không cao.
Quan điểm của TS.Lương Hoài Nam lại hoàn toàn trái ngược. Ông Nam thắc mắc: “Việc Việt Nam bán dầu thô cho các nước không có hoặc không đủ dầu thô để họ lọc, với việc nhà máy lọc dầu ở Việt Nam nhập dầu thô của các nước về lọc thì có gì khác nhau? Tại sao các nước kia lại đi mua dầu thô của Việt Nam về lọc nếu "giá trị gia tăng thu được không cao?”.
Ngoài 3 lý do nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng hoài nghi về năng lực tài chính của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan, “một dự án tới 27 tỷ USD thì không hiểu nhà đầu tư Thái Lan có đủ tầm để thu xếp không?". Đứng ở một góc nhìn khác, trước lo ngại này, TS.Lương Hoài Nam cho rằng: Một tập đoàn lớn nếu khó thu xếp được vốn thì hà cớ gì họ xin làm để rồi giữa chừng gãy gánh?!
Cũng theo TS.Lương Hoài Nam thì việc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phản đối dự án 27 tỷ USD đang đi ngược lại với chủ trương của các cơ quan Nhà nước và mang lợi ích cục bộ của bản thân mình.
Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Công thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã khẳng định: Lĩnh vực đầu tư vào lọc hóa dầu đang được khuyến khích và thúc đẩy thu hút đầu tư.
“Hiện nay chúng ta cũng mới chỉ có 1 nhà máy lọc dầu thôi nên việc kêu gọi đầu tư là cần thiết. Quan điểm của Bộ Công thương là ủng hộ nhưng để thực hiện được còn rất nhiều bước” – bà Thoa nhấn mạnh.